Dấu hiệu bị hói là một trong những vấn đề không chỉ đang được nữ giới quan tâm mà cánh đàn ông cũng đang rất quan tâm và tìm hiểu. Bởi ngày nay xã hội phát triển, kéo theo môi trường cũng bị ô nhiễm trầm trọng, chất lượng không khí bị giảm xuống do mật độ khói bụi lẫn vào trong không khí nhiều. Vì thế các vấn đề về tóc và da đầu đang rất phổ biến và trở thành mối quan tâm hàng đầu.
Đặc biệt phổ biến và vô cùng nan giải hiện nay đó chính là vấn đề hói đầu. Ông bà ta thường có câu “Cái răng cái tóc là góc con người”, thế mà tóc lại bị rụng khiến đầu bị hói thì chắc chắn là sẽ làm cho chúng ta bị mất tự tin về “cái góc” của mình rồi. Vì thế nên, trong bài viết dưới đây Helloykhoa sẽ cung cấp cho bạn đầy đủ thông tin và kiến thức về vấn đề này để bạn có thể đối phó lại nó nhé!
Dấu hiệu bị hói đầu chung, dễ nhận biết
Hói chính là tình trạng mà tóc trên đầu bị rụng quá nhiều. Tình trạng này sẽ làm cho mật độ tóc trên da đầu chúng ta bị giảm mạnh, khiến da đầu bị trống. Nhiều trường hợp tệ hơn thì tóc còn rụng thành từng mảng, rất gây mất thẩm mỹ cho người bệnh. Sau đây là một vài dấu hiệu chung thường thấy của việc bị hói đầu: (1)
1. Tóc mảnh, chân tóc yếu
Tóc mảnh có chân tóc yếu là tình trạng mà sợi tóc rất yếu, đặc biệt là chân tóc; mái tóc mỏng xẹp, hoàn toàn không có độ bồng. Hơn nữa, ta có thể nhận ra tình trạng tóc này thông qua việc tạo kiểu tóc, bởi lúc này tóc rất khó tạo kiểu và rất dễ gãy rụng.
Chân tóc yếu là tình trạng mà những sợi tóc trên da đầu bị gãy rụng từ phần chân, thậm chí là tóc bị chẻ ngọn. Điều này khiến tóc bị rụng đi lượng tóc quá mức cho phép trên một ngày (rụng trên 100 sợi một ngày). Đây chính là dấu hiệu cảnh báo cho việc bạn đang hoặc sắp bị hói. Cần phải chú ý theo dõi để tìm ra cách khắc phục hiệu quả.
2. Tóc rụng nhiều
Tóc rụng nhiều, thậm chí là rụng quá nhiều thường là do bệnh lý về tóc hay da đầu gây ra. Đây là một trong những dấu hiệu của việc đầu bị hói. Khi gặp phải dấu hiệu này, bạn có thể nhận ra bằng cách quan sát quá trình diễn biến của tóc thông qua nhiều hiện tượng khác nhau.
Đó có thể là hiện tượng tóc của bạn bị mỏng dần từ phía trên đỉnh đầu về sau gáy; tóc rụng đột ngột sau khi gội đầu, sau khi chải tóc, hay chỉ là sau khi vuốt nhẹ; tóc rụng toàn thân, có một vài trường hợp rụng cả lông mày và lông mi. Ngoài ra còn xuất hiện một số hiện tượng khác ít gặp hơn, đó là da đầu bị mọc các mảng vảy khiến tóc rụng nhiều, da đầu bị ửng đỏ, chảy dịch hoặc sưng.
3. Tóc mọc chậm và thưa dần
Đây là hiện tượng rất dễ để quan sát và nhận thấy. Đó là hiện tượng mà tóc rụng đã lâu mà không thấy mọc lại hoặc là tóc con có mọc lại nhưng lại vô cùng mảnh, yếu và dễ rụng, rụng ngay sau khi vừa mọc lên. Hoặc sau khi tóc rụng có mọc tóc con nhưng lại mọc lên rất chậm so với bình thường.
Điều này khiến cho việc rụng tóc vẫn cứ diễn ra nhưng không có đủ lượng tóc mọc bù lại lượng tóc đã mất, khiến cho tóc bị thưa dần. Hiện tượng này rất dễ trở thành hói, làm cho da đầu bị lộ dần ra các mảng trống trải, lưa thưa.
Dấu hiệu hói đầu riêng ở nam và nữ
1. Hói đầu ở nam giới
Đối với nam thì dấu hiệu hói đầu được nhận biết qua việc tóc rụng nhiều ở vùng trán, sau đó hiện tượng này lan ra khu vực vùng đỉnh đầu và vùng 2 bên trán. Tuy nhiên những nang tóc thuộc những khu vực này sẽ bị yếu đi, teo đi dần và sẽ không có thể mọc lại tóc con mới thêm được nữa. Và đặc biệt là những vùng da ở khu vực này sẽ trở nên láng bóng bởi nang lông bị teo đi.
2. Hói đầu ở nữ
Còn đối với phái nữ thì có thể nhận biết được tình trạng hói đầu qua việc tóc mỏng đi, thưa dần và dần lộ rõ da đầu hơn. Khác với phái mạnh, chị em chúng mình thường bị hói đầu xuất phát từ dấu hiệu mật độ tóc bị giảm mạnh từ vùng đỉnh đầu rồi tỏa tròn ra xung quanh. Trong quá trình tóc rơi rụng dần thì các chân tóc của chị em mình cũng dễ bị đứt gãy, bị ngắn hơn và mảnh hơn, dễ bị hư tổn.
Phân loại hói đầu phổ biến
Hói đầu thật ra cũng chỉ là một hiện tượng thiếu hụt về lượng tóc xuất hiện trên da đầu. Dù là bị hói đầu do bất cứ nguyên nhân nào thì hói đầu cũng không gây ra bất cứ ảnh hưởng nào đến sức khỏe hay gây nguy hiểm đến tính mạng dù là gián tiếp hay trực tiếp. Nhưng nó lại là nhân tố khiến cho chúng ta bị tự ti về ngoại hình khi gặp phải. Dựa vào hình thức, hói đầu thưởng đặc trưng bởi các kiểu phổ biến như sau:
- Hói đầu kiểu chữ M: Loại hói đầu này thường được gọi là trái hói, là hiện tượng nang lông teo, mất dần khiến cho tóc không thể mọc được ở khu vực từ thái dương đi sâu vào giữa đỉnh đầu tạo thành hình chữ M.
- Hói đầu kiểu chữ U: Đây là loại hói đầu thường có tên gọi khác là hói đầu hình móng ngựa. Là hiện tượng bị hói từ phần trán tiến sâu vào vùng đỉnh đầu đầu đến sau đầu tạo thành hình chữ U hay hình móng ngựa.
- Hói đầu kiểu chữ O: Là hiện tượng đầu bị hói vùng hình tròn từ đỉnh đầu rồi dần dần lan rộng đều ra xung quanh. Loại hói đầu này thường xảy ra ở các đối tượng là phụ nữ hoặc đàn ông lớn tuổi.
Một số nguyên nhân dẫn đến hói đầu thường thấy
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng rụng tóc và hói đầu, để biết được nguyên nhân bệnh nhân thường phải đi thăm khám nhiều lần từ đó tìm ra phương pháp điều trị phù hợp nhất. Tuy nhiên, nhìn chung nguyên nhân chính bắt nguồn từ những trường hợp như sau:
1. Rối loạn nội tiết
Đây là một nguyên nhân liên quan đến tuyến nội tiết của cơ thể, là một hiện tượng rối loạn mạng lưới các tuyến sản sinh hormone. Cụ thể là sự hoạt động quá mức của một loại hormone mang tên là Androgen DHT sẽ làm cho các nang tóc bị co lại, dẫn đến chân tóc bị yếu, mảnh và rụng dần. Nguyên nhân này thường xuất hiện ở phụ nữ mãn kinh và đàn ông tuổi trung niên.
Đặc biệt ở nữ giới thì khi rối loạn nội tiết tố làm cho các hormone sinh dục là Estrogen và Progesterone bị giảm xuống. Sự giảm thiểu mạnh của hai loại hormone sinh dục này sẽ khiến cho nang lông bị teo, gây rụng tóc, làm tóc không thể mọc lên được.
Ngoài ra, khi rối loạn nội tiết tố thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các loại hormone khác trong cơ thể. Đó có thể là sự giảm thiểu của các hormone Prolactin, Melatonin và các hormone tuyến giáp. Điều này trực tiếp làm giảm đi chức năng của chúng, làm tóc bị rụng và trở nên khó mọc lên hơn.
2. Do bệnh lý
Theo các chuyên gia, viêm tuyến giáp Hashimoto, bệnh tiểu đường và bệnh lupus là ba ví dụ về các bệnh tự miễn dịch có thể dẫn đến rụng tóc. Loại rụng tóc này có thể không phải lúc nào cũng hồi phục, đôi khi có thể gây hói đầu vĩnh viễn. Bên cạnh đó, các bệnh lý như nấm da đầu và viêm nhiễm da đầu cùng làm cho tình trạng rụng tóc trở nên trầm trọng thêm, làm tăng nguy cơ hói đầu.
3. Đang điều trị bệnh
Trong giai đoạn điều trị một hay nhiều các bệnh lý khác nhau, bạn có sử dụng thuốc để điều trị, hỗ trợ điều trị hoặc hỗ trợ phục hồi sau điều trị. Thì một số loại thuốc có thể gây ra tác dụng phụ là rụng tóc, rụng tóc rất nhiều và gây hói đầu.
Các loại thuốc điều trị như thuốc làm loãng máu, thuốc tránh thai, thuốc trầm cảm, thuốc chống viêm, thuốc chặn kênh beta và canxi đều có thể dẫn đến tóc mỏng hoặc hói. Quá nhiều vitamin A và các loại thuốc dựa trên vitamin A được gọi là retinoids cũng có thể gây rụng tóc.
Và hiển nhiên là một số loại thuốc hóa trị được áp dụng để điều trị bệnh lý ung thư có thể gây rụng tóc hoàn toàn khi chúng hoạt động để tiêu diệt tế bào ung thư.
4. Do mang thai, sau sinh
Như trên đã đề cập, sự mất cân bằng hay rối loạn nội tiết tố có thể dẫn đến rụng tóc nặng và hói đầu. Tình trạng này đặc biệt nghiêm trọng hơn khi các hormone dao động mạnh hơn bình thường xảy ra sau khi mang thai và sinh con. Rụng tóc do mang thai và sau sinh là rất phổ biến, ảnh hưởng đến khoảng 40 đến 50% phụ nữ mới sinh con.
Bởi vì nồng độ Estrogen trong thời kỳ mang thai tăng vọt, có thể tạm thời làm thay đổi chu kỳ mọc tóc của bạn. Trong thời gian này, người phụ nữ có thể ít bị rụng tóc hơn bình thường. Nhưng một khi nồng độ Estrogen trở lại bình thường sau khi mang thai sẽ gây ra sự thay đổi và rối loạn đột ngột, làm cho cơ thể không phản ứng kịp và lúc này bạn có thể thấy tóc rụng nhiều hơn bình thường.
Cũng không có gì lạ khi thực tế các bà mẹ sau sinh nhận thấy tóc mỏng đi, dễ gãy rụng hoặc thậm chí là bị hói. Theo một vài nghiên cứu cho thấy hói đầu sau sinh có thể xảy ra từ 1 đến 6 tháng sau khi sinh con, với các triệu chứng kéo dài đến tận 18 tháng.
Không phải tất cả các nang tóc đang trong giai đoạn nghỉ ngơi khi mang thai sẽ chuyển sang giai đoạn rụng ngay lập tức, nên tình trạng rụng quá nhiều có thể kéo dài từ 6 đến 15 tháng sau khi sinh. Tuy nhiên đừng lo lắng, sau khi sinh được một thời gian thì tóc sẽ mọc lại diễn ra cùng lúc với sự phục hồi chức năng của các cơ quan khác của cơ thể.
5. Di truyền
Ngoài các nguyên nhân xuất phát từ yếu tố bệnh lý gây ra thì hói đầu do di truyền là một nguyên nhất phổ biến nhất. Tình trạng này xảy ra khi trong gia đình bạn có người gặp tình trạng hói đầu hoặc rụng tóc nặng. Nhưng đừng vội trách ba hay mẹ của bạn vì sự di truyền này cũng có thể được thừa hưởng bởi người thân ở cả hai bên gia đình nội ngoại.
Dấu hiệu của bệnh hói đầu do nguyên nhân này thường rất dễ nhận ra bởi sự tương đồng trong loại hói đầu giữa những người thân trong gia đình.
6. Bị stress lâu
Rụng tóc có thể do căng thẳng quá mức, chẳng hạn như mắc bệnh hoặc trải qua phẫu thuật gây căng thẳng cho cơ thể và tâm trí. Nhiều người gặp phải tình trạng Telogen Effluvium cấp tính, trong đó có tới 70% nang tóc chuyển sang trạng thái nghỉ ngơi (Telogen) so với ước tính khoảng 10 đến 20% nang tóc bình thường ở trạng thái Telogen.
Ví dụ, trong trường hợp của COVID-19, rất rất nhiều trường hợp mắc COVID-19 bị mắc chứng rụng tóc nhiều, thậm chí bị hói đầu. Và nhiều nhà khoa học thuộc tổ chức AAD đã chứng minh rằng nguyên nhân bị hói đầu là do stress lâu ngày, chứ không phải bản thân căn bệnh có thể gây rụng tóc. Hói đầu là hiện tượng điển hình sau khi bị sốt hoặc trong quá trình hồi phục sau khi bị bệnh nói chung.
Chấn thương cảm xúc dẫn đến stress có thể gây ra tình trạng Telogen Effluvium cấp tính. Cụ thể là khi bạn đang đối mặt với một sự kiện xấu có khả năng thay đổi cuộc sống hiện tại, chẳng hạn như chia tay người yêu, ly hôn, phá sản, sự ra đi của người thân,… gây ra sự căng thẳng cảm xúc nghiêm trọng có thể làm gián đoạn chu kỳ mọc tóc bình thường, có khả năng gây hói ngắn hạn.
7. Ảnh hưởng do các phương pháp tạo kiểu tóc
Theo Hiệp hội Da liễu Hoa Kỳ, trong một quá trình và ham muốn để nỗ lực tạo ra một kiểu tóc sành điệu, bạn thực sự có thể gây ra những hư tổn và gãy rụng đáng kể, dẫn đến rụng tóc và tóc mỏng đi. Bởi các hóa chất có trong các loại thuốc tạo kiểu (uốn, nhuộm, dập, duỗi,…) có thể sẽ có hại rất trầm trọng đến chức năng da đầu của bạn, làm cho chân tóc yếu đi, dễ bị gãy rụng và da đầu trở nên bị hói.
Thậm chí gội đầu hoặc sấy khô quá thường xuyên với nhiệt độ kém khoa học (quá nóng) và sử dụng nhiều lần các dụng cụ tạo kiểu tóc bằng nhiệt, kéo tóc; chẳng hạn như trong khi sấy khô hoặc tạo kiểu tóc đuôi ngựa hay mullet quá chặt hoặc chà xát da đầu quá mạnh đều có thể dẫn đến rụng tóc và gây hói.
8. Do chế độ ăn
Trong chế độ ăn hàng ngày, sự thiếu hụt một số vitamin và khoáng chất có thể dẫn đến rụng tóc và làm giảm sự phát triển của tóc vì chúng hỗ trợ chu kỳ phát triển của tóc và quá trình thay đổi tế bào. Theo tổ chức AAD, sự thiếu hụt vitamin có thể gây rụng tóc bao gồm việc không tiếp nạp đủ protein, biotin, kẽm và sắt.
Dinh dưỡng kém hoặc chế độ ăn kiêng hạn chế vitamin và khoáng chất cần thiết nghiêm trọng hoặc chế độ ăn uống theo mốt có thể dẫn đến thiếu hụt tất cả các loại chất dinh dưỡng. Từ đó có thể dẫn đến rụng tóc, từ tóc mỏng đến hói từng mảng.
Những đối tượng dễ bị hói đầu
Dựa vào các thông tin trên, ta có thể biết rằng hói đầu có thể xảy ra ở cả nam và nữ thuộc bất kỳ giai đoạn độ tuổi nào. Thậm chí còn có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh khác nhau, phổ biến nhất là do bệnh lý và di truyền gây ra. Vậy đâu là những đối tượng dễ gặp phải tình trạng hói đầu nhất?
- Phụ nữ mãn kinh và tiền mãn kinh
Phụ nữ chị em chúng ta ngán ngẩm nhất là giai đoạn mãn kinh và tiền mãn kinh. Không những chúng mình gặp phải rất nhiều bất tiện trong chuyện chăn gối lứa đôi mà còn phải đối đầu với tình trạng rối loạn thần kinh nội tiết tố nữ.
Khi nội tiết bị mất cân bằng, sẽ làm cho các tế bào mầm tóc bị suy giảm chức năng. Làm cho các tế bào mầm tóc có giai đoạn tăng trưởng bị rút ngắn lại, lượng tóc mất đi không được bù đắp lại bằng lượng tóc mọc lên, khiến cho chị em mình bị rụng tóc rất nhiều, dẫn đến tình trạng hói đầu.
- Có người thân bị hói
Ở trên Helloykhoa đã khẳng định 2 lần rằng di truyền là một trong hai nguyên nhân chính và phổ biến nhất gây ra tình trạng hói đầu. Bởi gen di truyền là yếu tố chính quyết định xem một đối tượng có bị hói đầu hay hói đầu sớm hay không. Các trường hợp di truyền thường có tỷ lệ xảy ra ở chúng ta rất cao nếu người thân của chúng ta bị hói đầu. Tỷ lệ này rơi vào khoảng từ 50 đến 100%.
- Phụ nữ sau sinh
Vì phụ nữ sau sinh là giai đoạn mà nội tiết tố trong cơ thể bị thay đổi một cách đột ngột, thậm chí bị stress sau sinh. Vấn đề này làm cho các nội tiết Androgen làm các nang tóc bị yếu, hẹp lại dần, khiến chân tóc bị yếu và mảnh hơn rất nhiều. Điều này khiến cho tóc dễ bị hư tổn, rụng nhiều và gây hói.
Hói đầu có phòng ngừa được không?
Hói đầu là hoàn toàn có thể phòng ngừa được đấy chị em chúng mình và các anh mày râu ơi! Thậm chí nếu xác định được nguyên nhân hói đầu là do di truyền là điều không thể tránh khỏi những chúng ta vẫn có thể kích thích mọc tóc và hạn chế rụng tóc để “cứu vãn” tình hình “cái tóc” của chúng ta đấy!
- Để tóc ở tình trạng thoải mái nhất: Đồng ý rằng tất cả chúng ta đều muốn có được kiểu dáng mốt nhất, đẹp nhất và nổi bật nhất, đặc biệt là trong các dịp lễ Tết như hiện tại. Nhưng nếu thật sự là không cần thiết thì hãy thả lỏng tóc ở trạng thái tự nhiên và thoải mái nhất nhé! Cố gắng đừng gây áp lực lớn cho tóc, khiến cho nang tóc bị tổn thương.
- Hạn chế dùng nhiệt: Các dụng cụ hỗ trợ tạo kiểu hiện tại ngày nay như máy sấy, máy hấp, máy uốn, máy duỗi, máy dập,… đều là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hói đầu. Bởi nhiệt độ cao hoặc nhiệt độ vượt ngưỡng thích hợp dành cho tóc sẽ khiến cho tóc bị khô, gây rụng tóc; đồng thời nang tóc cũng sẽ bị hỏng do nhiệt gây ra, khiến thúc đẩy tình trạng hói đầu diễn ra.
- Thư giãn da đầu: Các liệu pháp “nịnh ngọt” da đầu cũng sẽ khiến cho da đầu được khỏe mạnh hơn, các mạch máu trên da đầu được điều hòa, giúp cho nang tóc dễ chịu, mạnh khỏe. Từ đó tóc cũng chắc khỏe, hạn chế tối đa tình trạng hói đầu. Các liệu pháp có thể kể đến là massage da đầu, gội đầu dưỡng sinh,… Tuy nhiên không nên quá lạm dụng gây ra tình trạng cọ xát.
- Xây dựng và áp dụng chế độ dinh dưỡng khoa học: Chế độ dinh dưỡng hàng ngày cần phải đảm bảo đầy đủ các vitamin và khoáng chất có lợi, hạn chế dung nạp những chất không cần thiết hoặc thừa chất gây suy yếu tóc. Các dưỡng chất cần bổ sung đầy đủ là Axit Folic, Sắt, Vitamin B6, Protein,…
- Bảo vệ tóc cẩn thận: Bởi vì ánh sáng mặt trời dù là gián tiếp hay trực tiếp cũng khiến tóc bị xơ rối, khô và rất dễ gãy rụng. Vậy nên cần đảm bảo che chắn và sử dụng sản phẩm bảo vệ tóc đầy đủ trước khi đi ra khỏi nhà. Duy trì cách làm này có thể giúp làm giảm bớt dấu hiệu hói đáng kể.
- Xây dựng routine chăm sóc tóc phù hợp: Vì tính chất tóc và khả năng hấp thụ dưỡng chất của tóc mỗi người là khác nhau nên mỗi người chúng ta cần phải có tìm ra và áp dụng routine chăm sóc tóc cho riêng mình. Điều chúng ta cần làm là tìm hiểu hoặc nhận sự tư vấn của các chuyên gia.
Bị hói đầu phải làm sao?
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng hói đầu, vì thế nên bị hói có thể điều trị bằng nhiều cách khác nhau tùy vào nguyên nhân đã được xác định là gì. Bạn đọc có thể tham khảo những phương pháp sau nha!
- Tập cho bản thân một thói quen sinh hoạt khoa học. Từ bỏ ngay thói quen xấu như thức khuya, dậy trễ hoặc làm việc mệt mỏi xuyên màn đêm. Thay vào đó, hãy tập duy trì thói quen dậy sớm, ngủ sớm và ăn uống đầy đủ chất, đúng giờ, đúng giấc khoa học.
- Hạn chế hoặc kiên quyết từ bỏ việc sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, rượu và bia.
- Sống cùng với suy nghĩ tích cực hơn, hạn chế mọi stress, áp lực và không nên để cơ thể bị vướng vào trạng thái mệt nhoài, kiệt sức.
- Hạn chế tối đa việc tạo kiểu tóc theo mốt gây ảnh hưởng tiêu cực đến tóc và chất lượng da đầu.
- Sử dụng các phương pháp điều trị chuyên sâu tại các phòng khám da liễu hoặc các bệnh viện lớn có uy tín cao. Chẳng hạn như phương pháp điều trị Minoxidil (Rogaine) hoặc phương pháp điều trị tại phòng khám bằng huyết tương giàu tiểu cầu (PRP).
- Nếu trường hợp nang tóc bị “chết” thì nên tìm đến các đơn vị da liệu có uy tín để thực hiện các liệu pháp nâng cao. Đó có thể là liệu pháp bố trí lại mật độ của các nang tóc (cấy tóc), bằng cách đưa các nang tóc ở vị trí không cần thiết mà có nhiều tóc (vùng sau gáy) đến các vùng bị hói gây mất thẩm mỹ (vùng đỉnh đầu, vùng trán).
- Ngoài ra, còn rất nhiều các phương pháp khác có thể điều trị và hỗ trợ điều trị tình trạng hói đầu này như kích thích sự tăng trưởng chân tóc, tiêm vi điểm hoặc lăn kim tóc (Meso tóc),… Nhưng đây là những phương pháp thuộc phạm trù chuyên môn cao, cần được thông tin và tư vấn bởi chuyên gia, không nên tự ý áp dụng ở các đơn vị kém uy tín.
Dấu hiệu bị hói chắc chắn là yếu tố đầu tiên mà mỗi chúng ta cần phải xác định để có thể biết được rằng chúng ta có thật sự bị hói hay không hay bị hói ở mức độ nào? Để từ đó có thể xác định được nguyên nhân và phương pháp điều trị, phòng ngừa hiệu quả và kịp thời nhất. Nếu bạn nhận thấy dấu hiệu và thật sự cần thiết thì tốt nhất bạn nên tiếp nhận sự tư vấn của các bác sĩ và chuyên gia uy tín.