Gàu được xem là một trong những trở ngại lớn nhất đối với mỗi người, nó khiến cho da đầu của ta có thêm khuyết điểm và gây mất tự tin trong giao tiếp. Vậy rốt cuộc gàu là gì và nó có ảnh hưởng đến sức khỏe hay không? Để có thể biết thêm thông tin chi tiết mời bạn cùng đọc qua bài viết sau đây.
Gàu là gì?
Gàu là triệu chứng xảy ra phổ biến ở cả nam lẫn nữ đặc biệt là người ở độ tuổi từ 20 – 30. Biểu hiện cụ thể của nó là hiện tượng da đầu bị bong tróc thành từng mảng và gây ra cảm giác ngứa ngáy khó chịu. Đây là một bệnh lý của da đầu theo đó những lớp da chết này sẽ tạo thành vảy nhỏ li ti màu trắng và xuất hiện rải rác trên tóc. (1)
Thông thường các tế bào da chết này sẽ bị thay thế bằng các tế bào da đầu mới khác nhưng do khi bị gàu nó sẽ xuất hiện các vảy trắng nhiều hơn, đôi khi chúng tạo thành mảng lớn và dính vào tóc hoặc rơi xuống áo. Tuy rằng nó không ảnh hưởng gì đến sức khỏe, không lây nhiễm nhưng với việc da đầu không sạch và thường xuyên có gàu như này cũng khiến cho ta không tự tin trong giao tiếp.
Nguyên nhân khiến tóc bị gàu
Sẽ có nhiều yếu tố khiến tóc bị gàu và nếu như gặp phải triệu chứng như hiện tại bạn phải tìm ra một biện pháp thích hợp để điều trị tình trạng này trước khi nó càng diễn biến tệ thêm:
1. Yếu tố nội sinh
Một trong những nguyên nhân gây ra gàu đó chính là do một loại nấm có tên là Malassezia gây ra. Loại nấm này ký sinh trực tiếp trên da đầu của chúng ta và chúng sẽ ăn dần bã nhờn ở các vùng có nhiều tuyến bã hoạt động như da đầu, sau tai, thân trên và các nếp gấp cơ thể.
Dần dần nếu chuyển biến nặng bạn có thể bị viêm da tiết bã, những người bị phải căn bệnh này thì da đầu họ thường xuyên đổ gàu rất nhiều. Do tuyến bã nhờn ở da đầu được tiết ra nhiều hơn khi hoạt động nên các loại nấm sẽ thay nhau tấn công vào vị trí này từ đó bạn sẽ phát hiện đầu mình bắt đầu ngứa, khó chịu và gãi liên tục thì xuất hiện từng mảng trắng.
Theo một vài nghiên cứu đưa ra thì những người bị mắc bệnh Parkinson, nhiễm HIV hay các bệnh về thần kinh cũng sẽ dễ bị viêm da tiết bã và kèm theo đó là hiện tượng đổ gàu. Trên hết họ sẽ dễ bị căng thẳng tâm lý, chức năng miễn dịch bị suy giảm…những yếu tố này cũng góp phần gây ra gàu.
2. Yếu tố ngoại sinh
Bên cạnh yếu tố nội sinh ra thì những nguyên nhân khác cũng có thể khiến da đầu bạn bị gàu một cách dễ dàng mà bạn có thể không biết bao gồm:
- Không chải tóc thường xuyên cũng khiến cho gàu dễ xuất hiện hơn nhiều. Bởi lẽ động tác chải tóc có thể khiến loại các tế bào chết trên da và giảm hình thành gàu. Bạn cần phải chú ý là sử dụng loại lược thưa và chải tóc nhẹ nhàng tránh bị rụng tóc.
- Những người thuộc nhóm da khô sẽ vô cùng dễ bị gàu nhiều hơn là người da dầu. Đặc biệt là vào mùa đông khi thời tiết bắt đầu lạnh và hanh khô hơn thì da đầu của bạn sẽ trở nên khô, gàu theo đó cũng thi nhau xuất hiện. Khi này những mảng gàu li ti sẽ gây sự nhờn rít và gây ngứa nhiều hơn.
- Thêm nữa việc dùng nhiều loại dầu gội hay sản phẩm chăm sóc tóc cũng sẽ khiến cho da đầu mau lên gàu hơn. Vì đa phần trong các sản phẩm này đều có chứa nhiều hương liệu lẫn hóa chất, nó sẽ tác động mạnh đến da đầu và gây ra hiện tượng kích ứng, tróc vảy và gây gàu.
- Ngoài ra nếu bạn không chịu gội đầu thường xuyên nhất là vào những ngày thời tiết nắng nóng khó chịu thì những vi khuẩn, bụi bám sẽ khiến cho da đầu của bạn mau bị dơ và lên gàu hơn. Vì vậy chúng ta nên thường xuyên gội đầu và không được lạm dụng quá nhiều sản phẩm chăm sóc tóc để da đầu có thể khỏe, không tiết ra bã nhờn.
- Tình trạng gàu cũng sẽ thường xuất hiện ở nam giới nhiều hơn là nữ nhất là những người ở độ tuổi thanh thiếu niên. Vì nam giới sẽ có những thay đổi về hormone và từ đó các tuyến bã nhờn sẽ hoạt động quá mức gây ra tình trạng viêm da bã tiết.
Dấu hiệu tóc bị gàu
Để có thể nhận biết được người đó có bị gàu không thì bạn có thể nhìn thấy rất dễ dàng bằng cách để ý ngay phần vai áo của họ có xuất hiện những mảng gàu trắng li ti hay không. Nếu nhìn gần bạn sẽ thấy những mảng da chết màu trắng này nằm ngay sát chân tóc và có thể gây ngứa dữ dội. (2)
Tình trạng này sẽ còn diễn biến tệ hơn vào mùa thu hoặc mùa đông vì máy lạnh có thể làm cho da bị khô và từ đó khiến da đầu bị ảnh hưởng theo. Bệnh này không gây nguy hiểm và đương nhiên là chúng có thể tự hết nhưng mà tình trạng như này sẽ kéo dài hoài nếu như bạn không tự điều trị.
Nếu như bạn thấy có bất kỳ hiện tượng nào khác xảy ra thì nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám chữa và xin ý kiến của bác sĩ. Tránh việc dùng tự tiện bất kỳ loại sản phẩm nào không rõ nguồn gốc để tự chữa trị cho bản thân thì hậu quả sẽ càng nghiêm trọng hơn nhiều.
Khi nào người bị gàu nên đến gặp bác sĩ?
Gàu không phải là tình trạng diễn biến quá phức tạp nhưng nếu như các loại thuốc kê đơn lẫn việc bạn đổi loại dầu gội khác để sử dụng mà tình trạng da đầu vẫn không thuyên giảm. Thậm chí nó còn sưng đỏ hơn, gây kích ứng và cảm thấy đau đớn khi chạm vào thì bạn nên đi đến bác sĩ da liễu ngay vì lúc này bạn có thể bị vi khuẩn xâm nhập gây nên bệnh viêm da tiết bã hoặc bị loại bệnh nào đó mà có gàu kèm theo.
Đối tượng có nguy cơ mắc phải bệnh gàu
Một vài nhóm đối tượng dưới đây có thể dễ dàng bị gàu cụ thể là:
- Nam giới: Theo như một vài kết quả khảo sát đưa ra thì tỉ lệ nam giới bị gàu chiếm tới 80% trong đó một số vấn đề xuất phát là do lối sống sinh hoạt cá nhân của họ rất cẩu thả mới gây nên tình trạng như thế. Đặc biệt hơn do tuyến da đầu của nam giới có nhiều dầu mà lượng dầu này nếu không được loại bỏ thì sẽ gây ra hiện tượng bã nhờn và cứ thế những mảng trắng bắt đầu đóng vảy thành lớp rồi xuất hiện nhiều hơn.
- Người trưởng thành, trung niên: Ở lứa tuổi này gàu có thể xuất hiện do một vài thay đổi hormone trong cơ thể khiến họ lắng bất an nhiều hơn và từ đó triệu chứng gàu cứ thế xuất hiện rồi kéo dài suốt đời sống sau này của họ.
- Những người mắc bệnh Parkinson và các bệnh liên quan đến thần kinh, suy giảm miễn dịch có khả năng bị gàu do khi này cơ thể đã thiếu đi kẽm và dễ bị loại nấm Malassezia tấn công.
- Không loại trừ khả năng người thường xuyên lười tắm gội cũng có thể dễ bị gàu, lẫn trí. Do cả ngày ở ngoài đường khói bụi lẫn các vi khuẩn có hại khác sẽ bám trên tóc và cơ thể chúng ta, nếu như không được chà rửa sạch sẽ thì chúng vẫn sẽ mãi tồn đọng ở đấy rồi gây ra những bệnh lý khác.
Tác hại của bệnh gàu là gì?
Gàu không chỉ gây ngứa và khó chịu mà nó còn khiến bạn bị mất điểm nặng nề ở vẻ ngoài. Nhưng tác hại của nó không chỉ dừng lại ở đó mà nó sẽ gây ra một loạt những triệu chứng sau ảnh hưởng đến các bộ phận khác trên cơ thể:
- Gây mụn nhọt: Dựa theo lời chẩn đoán của các bác sĩ da liễu thì lớp da khô không được cấp ẩm có thể làm tắc nghẽn lỗ chân lông dẫn đến việc những nốt mụn nhọt dần sẽ xuất hiện. Khi bị mụn, gàu cũng có thể làm cho tình trạng này thêm tồi tệ hơn. Để giảm thiểu được triệu chứng này bạn phải hạn chế không để tóc đang bị gàu vướng vào khuôn mặt.
- Làm ngứa da đầu: Khi bị gàu da đầu của bạn sẽ tiết ra một lượng tế bào da chết và bạn có cảm giác ngứa ngáy khó chịu, đến mức bạn phải dùng tay gãi liên tục để cảm thấy đỡ hơn. Nếu như nhận thấy gàu ngày càng xuất hiện nhiều dù bạn đã làm mọi biện pháp để chữa trị thì bạn nên sớm đi gặp bác sĩ để thăm khám.
- Xuất hiện mụn trứng cá ở lưng: Có thể bạn không biết nhưng khi gàu bám vào da lưng thì nó sẽ gây ra hiện tượng mụn trứng cá. Sở dĩ đó là do các loại nấm vi khuẩn ký sinh trong gàu và nó sẽ khiến cho bất kỳ bộ phận nào bị ảnh hưởng nếu như không may tiếp xúc phải mảng tế bào da chết này.
- Rụng tóc: Mặc dù có thể gàu không phải là nguyên nhân trực tiếp khiến cho tóc bị gãy rụng nhưng trong trường hợp bạn bị ngứa liên tục và cần phải gãi. Thì khi này lực ma sát sẽ gây ra những ảnh hưởng đáng kể đến chân tóc và từ đó tóc bạn sẽ yếu đi rồi dễ gãy rụng hơn.
- Bệnh vảy nến: Như đã nói trước đó bệnh vảy nến có thể xuất hiện do lối sống sinh hoạt vệ sinh cẩu thả của mỗi người từ đó những nốt vảy sẽ mọc trên các vị trí khác nhau ở da đầu. Chúng thậm chí có thể mọc ở đằng sau gáy, hai bên vành tai.
- Tóc nhờn: Lượng dầu thừa được sản sinh ra có thể khiến cho mái tóc của bạn bị bóng nhờn hơn từ đó mái tóc trông vừa mới gội xong nhìn có cảm giác bẩn và mất thẩm mỹ hơn nhiều. Trong trường hợp này bên nên mua những loại dầu gội chuyên trị gàu và gội thường xuyên hơn.
Phương pháp chẩn đoán bệnh gàu da đầu
Để có thể chẩn đoán tóc gàu một cách chính xác thì ta sẽ phải thực hiện các cuộc kiểm tra thông qua dấu hiệu lâm sàng, thói quen sinh hoạt hằng ngày, môi trường sống lẫn các xét nghiệm chẩn đoán.
Việc thăm khám lâm sàng sẽ do các bác sĩ da liễu thực hiện họ sẽ tìm ra những triệu chứng, kiểm tra tính chất của các mảng ngứa, mảng tróc da đầu rồi từ đó mới xác định được sự xuất hiện của nấm. Sau đó họ mới có thể kết luận và đưa ra phương pháp điều trị dựa theo mức độ tình trạng bệnh của mỗi người.
Phương pháp điều trị gàu vô cùng hiệu quả
Đối với những người bị gàu họ thường cảm thấy thiếu tự tin vô cùng vì những khuyết điểm trên da đầu của mình như này. Để có thể trị dứt điểm hoàn toàn tình trạng này thì bạn nên áp dụng theo những phương pháp sau đây:
1. Điều trị nội khoa
Đầu tiên nấm chính là nguyên nhân đầu tiên tấn công vào da đầu của ta và gây nên tình trạng ngứa, bong vảy đến mức khó có thể kiểm soát. Để diệt trừ tận gốc những mầm mống này ta cần phải dùng đến các loại thuốc chống nấm có chứa các chiết xuất như imidazole, sulfur, zinc pyrithione, ketoconazol.
Tùy thuộc vào tình trạng của người bệnh mà bác sĩ sẽ kê ra những toa thuốc thích hợp để nhằm để điều trị cho từng bệnh nhân với mong muốn đạt kết quả tốt nhất. Trong trường hợp bạn bị ngứa và nổi sần ở da đầu thì bác sĩ sẽ chỉ định bôi thuốc tại chỗ và bắt bạn uống thuốc ngay sau đó.
2. Điều trị bên ngoài
Bên cạnh việc dùng thuốc điều trị kháng nấm phổ rộng ta thì ta cũng có thể dùng dầu gội chuyên dụng để trị gàu. Cụ thể hơn ta nên dùng các loại dầu gội có chứa kẽm pyrithione nó sẽ giúp kháng khuẩn và kháng nấm.
Còn không thì bạn có thể dùng dầu gội có nguồn gốc từ hắc in (như Neutrogena T/ Gel). Một số thành phần trong đó sẽ làm chậm các tế bào da chết trên đầu và giảm tình trạng viêm da tiết bã và bệnh vẩy nến. Dầu gội chứa selenium sulfide có thể kiểm soát được những cơn ngứa, giảm kích ứng và khiến cho da đầu sạch hơn.
Dầu gội chứa ketoconazole sẽ có tác dụng tiêu diệt nấm gây gàu trên da đầu. Khi sử dụng một trong những loại dầu gội này để gội đầu mỗi ngày thì bạn nên chú ý quan sát xem là mức độ bị gàu có thuyên giảm đi không. Nếu thấy chúng không đem lại kết quả thì bạn có thể kết hợp dùng xen kẽ hai loại trị gàu khác nhau.
Khi tình trạng này được kiểm soát rồi thì bạn có thể giảm số lần sử dụng dầu gội trị gàu và tránh để nó tái phát. Nếu trường hợp bạn đã dùng thuốc và cả dầu gội để trị gàu mà nó vẫn không hết thì lúc này bạn nên liên hệ với bác sĩ để được thăm khám kỹ hơn.
Phương pháp điều trị tóc bị gàu tại nhà
Việc trị tóc bị gàu tại nhà hoàn toàn rất đơn giản và không khó như bạn vẫn nghĩ, bên cạnh việc dùng dầu gội để trị gàu ra thì bạn nên sử dụng một số nguyên liệu có sẵn tại nhà để diệt trừ tận gốc những mảng trắng khó chịu này.
Theo đó bạn có thể dùng baking soda, chanh, giấm táo, dầu dừa, muối…chúng đều có khả năng làm sạch sâu nhờ vào hàm lượng có tính kiềm cao. Những hợp chất có trong từng loại này sẽ tiêu diệt nấm, vi khuẩn gây gàu trên da đầu. Đồng thời chúng cũng sẽ khiến các lỗ chân lông trên da đầu được thông thoáng hơn, cân bằng độ pH.
Bạn yên tâm là những mẹo này đã được đưa ra bởi các chuyên gia da liễu và mức độ thành công của nó rất là cao. Thay vì cứ mãi trông chờ vào việc dùng dầu gội không thôi thì bạn nên dùng kết hợp theo những công thức dựa vào các nguyên liệu trên như này vừa đảm bảo tính an toàn lại đẩy nhanh hiệu quả trị gàu.
Chế độ sinh hoạt giúp làm chậm diễn tiến của gầu
Ngoài việc gội đầu thường xuyên ra thì bạn cũng có thể khắc phục được diễn biến của gàu tóc thông qua một vài bước sau đây:
- Chế độ sinh hoạt
Luôn quản lý sức khỏe của bản thân, tránh bị căng thẳng hay stress vì những dấu hiệu này có thể khiến gàu xuất hiện hoặc làm cho tình trạng bệnh nấm da đầu nặng hơn. Bạn nên duy trì một lối sống tích cực, luôn nghỉ ngơi khi có thời gian và đi ngủ thật sớm để cơ thể có thể khỏe mạnh hơn.
- Chế độ dinh dưỡng
Để giúp tóc cũng như da đầu luôn khỏe thì bạn nên lựa chọn những loại thực phẩm có chứa nhiều kẽm lẫn vitamin B để bổ sung vào cơ thể. Những hoạt chất này có thể ngăn ngừa gàu và ngăn chặn được một số bệnh lý gây hại khác.
Phương pháp phòng ngừa gàu trên tóc hiệu quả
Muốn phòng ngừa bệnh gàu hiệu quả thì bạn nên thực hiện theo một số gợi ý tham khảo dưới đây bao gồm (3):
- Luôn chăm sóc da đầu
Trong trường hợp bạn là người có da dầu nhờn thì bạn nên gội đầu thường xuyên hơn, nhờ thế mà đầu của bạn không bị dơ và xảy ra hiện tượng bị gàu. Tốt nhất là mỗi lần tắm nên dùng dầu gội hai lần, lần đầu là xả cho sạch, lần hai là xoa bóp da đầu để làm bong vảy sau đó dùng nước ấm làm sạch lại.
Tránh việc dùng các sản phẩm tạo kiểu tóc vì đa phần chúng đều có chứa hóa chất độc hại chưa kể đến nó sẽ khiến cho bụi bẩn, vi khuẩn dễ dàng tích vụ vào hơn. Khi da đầu của bạn bị nhờn đi và chúng không được làm sạch kỹ càng thì những mảng gàu trắng sẽ thay phiên xuất hiện ở mọi vị trí trên đầu.
- Vệ sinh nón bảo hiểm, lược chải đầu
Những vật dụng tiếp xúc trực tiếp đến da đầu như là nón bảo hiểm, lược chải đầu nếu không được chùi rửa, vệ sinh kỹ càng và không để tâm thì lâu dần nó sẽ tích tụ nhiều vết bẩn tạo điều kiện để các vi khuẩn sinh nở.
Khi chúng ta đi làm và đội mũ hằng ngày những chất bã nhờn tiết ra từ da đầu cũng như mồ hôi sẽ thấm sâu vào trong nón rồi khiến cho tóc nhanh bị bết hơn từ đó nảy sinh ra triệu chứng gàu. Vô tình hiện tượng này sẽ càng kéo dài và gây nên sự khó chịu, ngứa ngáy khiến bạn phải gãi đầu liên tục.
Tốt nhất là bạn nên phơi nón dưới ánh nắng mặt trời để nón được khô ráo hơn, không nên đội mũ khi tóc còn ướt và tránh việc dùng chung khăn, lược với bất kỳ người nào khác nhất là người bị gàu.
- Ngăn ngừa một số bệnh da liễu gây ra gàu
Một số bệnh da liễu là tác nhận gây ra gàu thường thấy như bệnh vảy nến, bệnh chàm hay bệnh dày sừng da đầu. Khi mắc bệnh này bạn cần điều trị đúng cách thì mới chấm dứt được gàu. Do đó, để phòng tránh bạn nên tìm hiểu những tác nhân gây bệnh.
Chú ý giúp điều trị gàu hiệu quả hơn
Mục đích cuối cùng của việc trị gàu là nó có thể khỏi hoàn toàn cũng như không làm tổn hại đến da đầu thì ta nên chú ý trong việc điều trị như sau:
- Tránh sử dụng nước quá nóng để gội đầu cũng như dùng các loại dầu gội có chứa độ pH cao. Điều này sẽ khiến da đầu dễ bị khô lẫn bị kích ứng.
- Không gãi hay chà xát mạnh lên vùng da đầu, không cố làm bong tróc các lớp vảy vì nó sẽ tăng khả năng tái tạo lớp vảy mới để bảo vệ da đầu.
- Không nhuộm tóc hoặc sử dụng bất kỳ các mỹ phẩm nào khác vì nó sẽ khiến cho bệnh lý về da đầu nặng hơn.
- Chú ý vệ sinh mũ bảo hiểm cũng như là lược vì các bào tử nấm hoặc sợi nấm sẽ dễ dàng lây vào da đầu chúng ta.
Việc trị gàu dứt điểm là một điều hết sức cần thiết bởi lẽ bạn không thể nào để người khác nhìn mình với bộ dạng trông nhếch nhác vì đầu mình có gàu được. Tuy rằng tóc bị gàu không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng nó cũng khiến ta cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu và dễ bị stress trong giao tiếp hàng ngày.
Với những thông tin chia sẻ như trên Helloykhoa.com mong rằng có thể giúp bạn hiểu hơn về gàu. Từ đó sẽ giúp bạn không quá lo lắng về vấn đề tóc bị gàu cũng như có biện pháp phù hợp để điều trị và phòng tránh.