Cỏ mần trầu là dược liệu đã có từ xa xưa với tác dụng chữa được khá nhiều loại bệnh. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách để tận dụng tối đa loại thảo dược “thần kỳ” này. Bởi mần trầu vẫn còn khá xa lạ đối với các gia đình ngày này, nhưng nhờ đặc tính mát mà hiện nay chúng đã được đưa vào các bài thuốc để chữa bệnh. Hãy cùng Helloykhoa theo dõi bài viết dưới đây để hiểu hơn về loại cây này nhé!
Đặc điểm cỏ mần trầu
Cỏ mần trầu hay còn được gọi với tên khác là thanh tâm thảo, ngưu cân thảo, chì tía, cỏ bắc, cỏ vườn trầu,… và có tên khoa học là Eleusine indica (L.) Gaertn. Cây cỏ mần trầu thuộc họ Lúa (Poaceae), rễ nông, thược mọc thành cụm, xum xuê.
Loại cây này được tìm thấy rất nhiều ở Việt Nam, bạn có thể dễ dàng tìm thấy thảo dược này ngay trong vườn nhà, ngoài đồng, vệ đường hay bất cứ nơi đâu có đất hoang. Đôi khi chúng thường được sử dụng để làm thức ăn cho gia súc. Mần trầu có khả năng mọc lan rất nhanh và lấn át các loại cỏ dại khác.
1. Hình ảnh cây cỏ mần trầu
Cỏ mần trầu thuộc loại cây thảo nhỏ, thân cây phân nhánh, mọc bò dài sau phát triển thì đứng thẳng có độ cao từ 30-50cm. Lá mần trầu thường mọc so le với nhau, chúng có hình dài nhọn, xếp thành 2 dãy cách nhau rất đều. Bẹ lá mỏng có lông nhỏ, phiến lá mềm, nhẵn.
Mần trầu thường có cụm hoa mọc trên 1 cán ở ngọn thân, bao gồm 5 – 7 bông, xếp toả tròn như chong chóng và có 2 bông khác mọc thấp hơn trên cánh hoa, lá hơi nhỏ và dài. Quả mần trầu dài 3 – 4 mm, hình thuôn dài gần như 3 cạnh, mùa ra hoa của cây thường rơi vào khoảng tháng 5-7.
2. Thành phần dược tính
Trong y học dân gian, loại cỏ này thường được sử dụng phổ biến để trị ho, lợi tiểu nhờ tính hàn, mát, có vị ngọt xen lẫn vị đắng. Hơn thế nữa, chúng còn được các thầy thuốc tận dụng trong các bài thuốc để chữa bệnh, như: tiểu vàng, tiểu ít, chữa viêm da, mát gan, lợi tiểu, an thai, chữa viêm tinh hoàn,…
Theo y học hiện đại, cỏ mần trầu sẽ chứa các thành phần, như: glucopyranosyl, flavonoid, dẫn chất 6 – 0 – palmitoyl,… mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe cho người bệnh. Hiện nay, thành phần trong cỏ mần trầu vẫn còn được các chuyên gia tiếp tục tìm hiểu và nghiên cứu.
3. Cách thu hái, sử dụng và bảo quản
Vì cỏ mần trầu thường sinh trưởng và phát triển quanh năm, nên nông dân có thể thu hái bát cứ lúc nào. Tuy nhiên, theo các chuyên gia thời điểm thích hợp nhất để thu hái cỏ mần trầu là cuối hè hoặc đầu thu, bởi đây là thời điểm sinh trưởng và phát triển mạnh mẽ nhất của cỏ mần trầu.
Sau khi thu hái xong, cỏ mần trầu sẽ được làm sạch để loại bỏ bụi bẩn và ký sinh gây hại còn bám trên lá. Tuy nhiên, trong quá trình làm sạch bạn cần chú ý thao tác nhẹ nhàng để không làm dập nát thảo dược. Bên cạnh đó, không phải lá thảo dược nào cũng sử dụng được, mà người nông dân cần loại bỏ tất cả lá sâu, úa trước khi đem đi sơ chế.
Đối với cỏ mần trầu thì tất cả các bộ phận của cây thảo dược này đều có thể sử dụng để làm thuốc. Do đó, sau khi thu hái, người bệnh nên làm sạch, đem thái thành khúc nhỏ, phơi hoặc sấy khô rồi để trong túi nilon, hũ nhựa để bảo quản và dùng dần. Sau đó, bạn chỉ cần bảo quản dược liệu này ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Tuyệt đối, không được cất giữ thuốc ở những nơi ẩm ướt, vì có thể khiến thuốc bị ẩm mốc và hư hỏng.
Tác dụng của cỏ mần trầu
Cỏ mần trầu có tác dụng gì? Theo các nghiên cứu khoa học, mần trầu chứa rất nhiều thành phần hoá học mang lại lợi ích cho sức khỏe con người. Hiện nay, cỏ mần trầu vẫn còn được các nhà nghiên cứu theo Y học Cổ truyền và Y học Hiện đại tiếp tục tìm hiểu về công dụng thực sự của nó. Tuy nhiên, từ xa xưa đến nay ông cha ta vẫn ứng dụng loại thảo dược này để chữa bệnh, vì thế bạn có thể hoàn toàn yên tâm nhé.
1. Tác dụng theo y học cổ truyền
Đối với tác dụng y học cổ truyền cỏ mần trầu có vị ngọt, hơi đắng, tính bình, có tác dụng trong việc giải độc, thanh nhiệt, khư phong, khư đàm, lợi niệu, hoạt huyết bổ ích.
2. Tác dụng theo y học hiện đại
Nhờ sự nghiên cứu của y học hiện đại, mà mần trầu lại được tận dụng nhiều vào việc chữa trị đa dạng các bệnh lý, như:
- Hạ sốt, kháng viêm: Hoạt chất C-glycosylflavones trong cây mần trầu được chứng minh là có công dụng kháng viêm hiệu quả trên đường hô hấp ở chuột mắc cúm hoặc viêm phổi. Một nghiên cứu khác cũng được thực hiện trên chuột bị sốt đã cho thấy, dịch chiết từ cây cỏ mần trầu có tác dụng hạ sốt tương đương với liều điều trị bằng acetylsalicylic.
- Hạ huyết áp: Các nhà khoa học đã chứng minh được, dịch chiết từ cây mần trầu có tác dụng hạ huyết áp tương đương với Lorsatan trên chuột đã được gây tăng huyết áp bởi L – NAME (là chất gây tăng huyết áp do ức chế sản sinh NO).
- Kháng khuẩn: Cỏ mần trầu được chứng minh là có tác dụng kháng khuẩn từ mức độ thấp đến vừa, chúng phù hợp với các loại vi khuẩn như: Staphylococcus aureus, Pseudomonas aeruginosa và Salmonella choleraesuis.
- Bảo vệ chức năng thận: Một nghiên cứu cũng được thực hiện trên nhóm chuột khi được tiêm L – NAME, cho thấy rằng nhóm chuột này đều được điều trị với dịch chiết từ cỏ mần trầu. Và cho hiệu quả tương đương trong kiểm soát các chỉ số urea, ion K+, ion Na+, creatinine, so với nhóm chuột được điều trị bằng Lorsatan. Điều này chứng minh rằng, mần trầu có chức năng bảo vệ thận hiệu quả.
- Bảo vệ gan và hỗ trợ điều trị rối loạn lipid máu: Một nghiên cứu thực hiện trên nhóm chuột được gây béo phì cho thấy, nhóm chuột được điều trị với dịch chiết từ mần trầu trong dung môi hexan có tác dụng làm giảm nồng độ cholesterol toàn phần, giảm nồng độ LDL và tăng nồng độ HDL so với nhóm chuột đối chứng. Bên cạnh đó, chỉ số ALT, ÁT trên nhóm chuột cũng được cải thiện đáng kể.
Cách sử dụng cỏ mần trầu
Quả thực cỏ mần trầu mang lại khá nhiều lợi ích cho sức khỏe chúng ta. Vì thế, nhiều người thường thắc mắc rằng cách sử dụng cỏ mần trầu như thế nào mới mang lại hiệu quả tốt nhất, sử dụng như thế nào để không mang lại tác dụng phụ?
Bên cạnh cách nấu nước uống thông dụng để thanh nhiệt cơ thể, hoặc kết hợp với một số loại thảo dược khác để sắc thành thuốc uống. Bạn cũng có thể dùng cỏ mần trầu để làm nước gội đầu, giúp ngăn ngừa tình trạng rụng tóc, kích thích mọc tóc hiệu quả.
Bài thuốc chữa bệnh từ cỏ mần trầu
Với những tác dụng của cỏ mần trầu đã được các nhà nghiên cứu chứng minh, một số bài thuốc sau đây sẽ giúp người bệnh có thể lựa chọn và hỗ trợ điều trị bệnh lý hiệu quả nhất, như:
- Chữa tăng huyết áp: Dùng khoảng 500gr cây tươi, rồi đem đi rửa sạch. Sau đó, đem đi giã nát, rồi thêm 1 bát nước, đun thật sôi, gạn lấy phần nước cốt, để nguội. Thêm một ít đường để tăng hương vị và thưởng thức. Bạn nên áp dụng công thức này 2 lần mỗi ngày, vào buổi sáng và chiều.
- Chữa sốt cao, co giật, hôn mê: Dùng 120gr cỏ mần trầu, rửa thật sạch với nước muối pha loãng, vớt ra để ráo. Sau đó, cho thảo dược sắc cùng 600ml nước lọc, cho đến khi cô cạn còn khoảng 400ml nước thì thêm một ít muối. chia thành nhiều lần uống trong vòng 12 giờ.
- Đề phòng viêm màng não truyền nhiễm: Dùng 30gr cỏ mần trầu đem sắc cùng một lượng nước vừa phải. Sau đó, lọc qua rây lấy phần nước cốt, bỏ bã. Chia làm 3 lần uống trong 3 ngày, rồi nghỉ 10 ngày, sau đó lại tiếp tục uống 3 ngày nữa.
- Chữa thấp nhiệt, hoàng đản: Dùng 60gr cỏ mần trầu, 30gr sơn chi ma, Tiếp đến đem sắc cùng một lượng nước, cho đến khi cô cạn lại còn một nửa. Gạn lấy phần nước cốt và chia làm nhiều lần uống trong ngày.
- Chữa viêm tinh hoàn: Dùng 60gr cỏ mần trầu, 10 cùi vải. Đem sắc chung với một lượng nước vừa phải, cho đến khi cô cạn là còn khoảng một nửa, gạn lấy phần nước cốt rồi uống trong ngày.
- Chữa bạc tóc sớm: Dùng 10gr cỏ mần trầu, 25gr rễ khúc khắc, 15gr ngũ gia bì, đỗ trọng, 5gr nhân trần, cam thảo. Đem tất cả thảo dược sắc cùng một lượng nước vừa phải, rồi gạn lấy phần nước cốt, để nguội. Cuối cùng chia làm 2 lần uống trong ngày, uốn trước khi ăn tầm 15 phút.
- Chữa cảm, sốt, nóng trong người, tiểu tiện vàng ít: 16gr mần trầu, cỏ tranh. Tiếp đến, cho thảo dược vào ấm sắc cùng một lượng nước vừa phải. Sau đó, gạn lấy phần nước cốt, bỏ bã, chia thuốc làm nhiều lần uống trong ngày.
- Chữa đại tiện ra máu đen: dùng 1 nắm cỏ mần trầu, cam thảo nam, muồng trâu, rễ tranh, cây ké, rau má, trắc bách, 2 nắm cỏ mực, 5 củ sả, 3 lát gừng, 9 lá ngải cứu, 2 muỗng than tóc. Cho tất cả thảo dược vào ấm sắc, đổ nước ngập nguyên liệu, rồi nấu cho đến khi còn 2 chén thì chia làm 2 lần uống trong ngày.
- Chữa băng huyết: Dùng 1 nắm mần trầu, muồng trâu thái nhỏ, cam thảo nam, rau má, cây ké, cỏ mực, 10 lá ngải cứu, lát gừng, lát sả, 1 vỏ quýt. Cho tất cả nguyên liệu và ấm sắc cùng một lượng nước vừa phải, cho đến khi cô cạn lại còn khoảng 2 chén nước. Sau đó chia thuốc thành 2 lần uống trong một ngày.
- Chữa nóng sốt, nứt môi, tưa lưỡi: 1 nắm mỗi loại cỏ mần trầu, cỏ mực, rau má, rau bồ ngót, lá muồng trâu, rễ tranh, rau sam, 2 khoanh bí đao, 1 muỗng đậu xanh. Cho tất cả nguyên liệu vào ấm đun cùng một lượng nước ngập thảo dược, đun cho đến cô cạn lại còn khoảng 2 bát nước thì tắt bếp. Chia nhỏ phần thuốc sử dụng trong ngày, uống 2 lần mỗi ngày.
Bên cạnh đó, một số bài thuốc dựa theo kinh nghiệm của ông cha ta truyền lại cũng được ứng dụng với loại cỏ mần trầu này:
- Chữa sỏi tiết niệu: dùng 40gr cỏ mần trầu, 20gr bông mã đề, 8gr mộc thông, 8gr chỉ tử, 20 lá tre, 8gr củ mạch, 8gr cam thảo, 16gr sinh địa, hương phụ chế trong 12h. Nếu có hiện tượng đái ra máu thì thêm 20gr rễ cỏ tranh, đái buốt thì thêm hoạt thạch 12gr. Đem tất cả nguyên liệu sắc cùng một lượng nước vừađủ ngập dược liệu. Sau đó, chia thuốc làm 3 lần uống trong ngày, mỗi ngày sử dụng 1 thang, uống mỗi đợt 10 thang.
- Dựa theo kinh nghiệm của hội Y học Dân tộc Thanh Hoá: dùng 20 – 40gr để nấu nước uống trong ngày. Bởi nhờ tính mát, vị nhạt, lại thanh nhiệt và làm ra mồ hôi, mát gan, lợi tiểu, chữa cảm mạo nhưng không ra mồ hôi, nên chúng được xem là liều thuốc quý của dân tộc Thanh Hoá.
- Dựa theo kinh nghiệm của đồng bào người Chăm: dùng 16 – 20gr mần trầu, sắc thành nước uống trong ngày. Theo đồng bào Chăm, nước mần trầu có thể thanh nhiệt, giải độc, lương huyết, chữa ho khan, mát gan, sốt âm ỉ về chiều, lao lực hoặc mệt nhọc.
- Dựa theo kinh nghiệm của đồng bào dân tộc Hà Giang: dùng 10gr cỏ mần trầu, 25gr rễ khúc khắc, 15gr vỏ thân cây ngũ gia bì, 15gr thân đỗ trọng, 5gr cây nhân trần, 5gr rễ cây cam thảo.
Thuốc uống: cỏ mần trầu 10g, rễ khúc khắc 25g, vỏ thân cây ngũ ga bì, vỏ thân đỗ trọng mỗi vị 15g, rễ cam thảo 5g, cả cây nhân trần 5g. Về mùa đông, thì thêm 2g gừng nóng. Đem tất cả đi phơi khô, thái thật nhỏ, sắc uống trong một ngày, sau bữa ăn chính khoảng 15 phút. Khi dùng thuốc nên kiêng chất tanh, chất kích thích, cà chua, rau muống. Phụ nữ có thai hoặc đang có kinh không được dùng.
Thuốc dùng ngoài: dùng cả cây cỏ mần trầu khoảng 200g, bồ kết 3 quả, cỏ mần trầu thái nhỏ nấu với hai lít nước lọc đến sôi. Để lửa nhỏ trong 5 phút, chắt lấy nước trong, để vừa ấm gội đầu, nên ngâm tóc trong nước càng tốt. Sau đó, tráng lại tóc bằng nước lã.
Lưu ý khi sử dụng cỏ mần trầu
Quả thực công dụng của cỏ mần trầu mang đến khá nhiều lợi ích cho sức khỏe chúng ta. Tuy nhiên, để sử dụng mần trầu một cách an toàn và hiệu quả, người bệnh nên lưu ý đến một số điều nhỏ sau đây.
- Tìm kiếm nguồn dược liệu uy tín, an toàn, sạch sẽ, đảm bảo thảo dược không nhiễm thuốc trừ sâu hoặc các hoá chất độc hại. Đặc biệt, quy trình sơ chế không gây ảnh hưởng hoặc biến dạng các hoạt chất bên trong.
- Trong quá trình sử dụng thảo dược, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng bất thường, như: nổi mẩn, ngứa rát, phát ban,… thì hãy tahm ngưng dùng thuốc và đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám.
- Cỏ mần trầu không có độc tố, tuy nhiên bạn nên tham khảo ý kiến từ các chuyên gia, bác sĩ hoặc các thầy thuốc trước khi sử dụng.
- Người bệnh khi sử dụng cỏ mần trầu cần lưu ý rằng, thảo dược này có thể tương tác với một số loại thuốc, thực phẩm chức năng đang sử dụng hay với các loại thảo dược khác. Để đảm bảo an toàn và mang lại hiệu quả tốt, bạn nên thăm hỏi ý kiến bác sĩ để xem loại thuốc mà mình đang dùng có tương khắc không nhé!
Tóm lại, cỏ mần trầu là loại thảo dược không quá xa lạ với nhiều người, đặc biệt là với ông cha ta ngày xưa. Tuy nhiên, loại thuốc này chỉ được ứng dụng phổ biến trong dân gian và hiện tại vẫn chưa có nghiên cứu hiện đại anof nói rõ về kết quả khi sử dụng loại thảo dược này. Do đó, người bệnh khi sử dụng cần phải lưu ý và tìm hiểu thật kỹ nhé!